“Lành nghề để có việc làm bền vững; lành nghề để có một cộng đồng hiếu khách; lành nghề để mọi người cùng tham gia vào phát triển ngành kinh tế du lịch của quốc gia trong bối cảnh hội nhập và khách hàng toàn cầu”. (Hanni Tran)
BỐI CẢNH DU LỊCH TOÀN CẦU
Du lịch là hoạt động liên quan đến con người, tác động giữa người với người, người với môi trường qua việc cung cấp và đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống trong hành trình chuyến đi. Do đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo dục – việc làm – người thụ hưởng gắn bó mật thiết nhau thông qua tiêu chí làm hài lòng nhau và quay trở lại.
Nhận định trên được xuất phát từ chủ trương của chính phủ khi đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cho quá trình phát triển kinh tế quốc gia trong một bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này cho thấy rằng, mong đợi cuối cùng để ngành du lịch tăng trưởng nhanh mà bền vững đòi hỏi sự liên kết giữa giáo dục và việc làm thông qua kết quả về năng lực thực hiện của người học.
Bên cạnh đó, theo bối cảnh toàn cầu hiện nay, việc thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc giai đoạn 2016-2030 trong phát triển du lịch (17SDGs4tourism) đặt ra cho nhân sự toàn ngành du lịch nhìn nhận rằng, cần liên kết các mục tiêu với nhau, đặc biệt là Mục tiêu số 4 về Giáo dục chất lượng và Mục tiêu số 8 về tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững đáp ứng nhu cầu về xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống để không một ai bị bỏ lại phía sau.
Từ Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu như trên, cho thấy rằng, thế giới nghề nghiệp trong du lịch là con số không thể đếm được do nhu cầu con người ngày một tăng và lực lượng lao động trải khắp các ngành có liên quan. Trong chuỗi giá trị cung ứng ngành du lịch có bao nhiêu dịch vụ hiện tại và tương lai thì có bấy nhiêu tiêu chí về nghề nghiệp của ngành du lịch cần được đào tạo và huấn luyện. Có thể nói rằng, giáo dục trong du lịch là của mọi người.
Theo đó, 17SDG4tourism là một phong vũ biểu du lịch để ghi lại đầy đủ khoảng cách giữa thị trường giáo dục và việc làm, tất cả giá trị tuân thủ của các bên tham gia du lịch bằng cách cung cấp dịch vụ với các cam kết lành nghề và chuyên nghiệp cho khách hàng và thị trường trên toàn cầu.
Thêm vào đó, theo UNWTO, năm 2019 mức tăng trưởng du lịch toàn cầu được dự báo tăng 3-4%, phù hợp với lịch sử tăng trưởng trong 10 năm qua. Do vậy, chủ đề Năm 2019 cho du lịch toàn cầu là Năm của giáo duc, phát triển kỹ năng và việc làm.
Từ xu hướng trên, việc phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động là tiêu chí để đánh giá sự lành nghề trong việc cung cấp dịch vụ cho nhu cầu con người. Lành nghề để có việc làm bền vững; lành nghề để có một cộng đồng hiếu khách; lành nghề để mọi người cùng tham gia vào phát triển ngành kinh tế du lịch của quốc gia trong bối cảnh hội nhập và khách hàng toàn cầu.
Góc nhìn từ vai trò của các bên cùng tham gia trong quá trình phát triển du lịch bền vững
Đối với giáo dục – đào tạo nói chung
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường thì các cơ sở đào tạo cũng được hiểu là lực lượng lao động của ngành du lịch với chức năng đào tạo, cung cấp nhân sự lành nghề, đảm bảo cho lộ trình phát triển nghề nghiệp của người lao động phục vụ du lịch từ vị trí việc làm cơ bản đến đỉnh cao sự nghiệp. Ngoài đào tạo những nghiệp vụ cơ bản của ngành du lịch thì các kỹ năng nghề nghiệp từ các ngành khác như công nghệ, nông nghiệp-lâm ngư nghiệp, y tế, môi trường, kinh doanh …có cơ hội tham gia vào nghề du lịch. Có thể nói rằng, mỗi người đều có cơ hội trở thành nhân sự ngành du lịch khi biết áp dụng kiến thức, kỹ năng để ứng dụng khai thác vào phát triển sản phẩm du lịch mới.
Ở một góc nhìn khác, các cơ sở đào tạo cũng là những đơn vị tham gia vào thị trường du lịch để tạo xu hướng và nhu cầu cho khách du lịch từ những nghiên cứu và tạo động lực cho nhân sự du lịch tương lai có cơ hội tạo sản phẩm du lịch mới, góp phần kích cầu du lịch và mở rộng thị trường việc làm du lịch cho cộng đồng.
Không kém phần quan trọng, tiêu chí cho nhân sự ngành du lịch nói chung vẫn là kỹ năng xã hội, vốn xã hội mà người học được hấp thụ phần nào đó từ chân dung người thầy trong môi trường giáo dục; lĩnh hội từ tư duy dạy học của người thầy để người học có triết lý và đạo đức trong tiêu chí lành nghề của ngành dịch vụ du lịch.
Thêm vào đó, giáo dục còn có vai trò bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng lao động tại cộng đồng dân cư dưới các tác động của các quy tắc ứng xử trong du lịch nhằm hình thành khu vực, làng xã du lịch văn minh. Song song đó, để nâng cao nhận thức và hình thành “con người của du lịch” thì các quy tắc ứng xử trong du lịch cần được đưa vào hệ thống giáo dục các cấp. Đây là một quá trình sâu rộng để quốc gia có lực lượng lao động lành nghề du lịch từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.
Tóm lại, với chức năng của lĩnh vực giáo dục trong du lịch như phân tích trên cho thấy rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu để tạo ra nguồn lao động rộng khắp. Các cơ sở đào tạo sẽ là trong nước, liên kết và thậm chí ngoài nước cũng là nguồn lực cho giáo dục và đào tạo đội ngũ nhân sự cho du lịch Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trong bối cảnh thị trường đa quốc gia. Các cơ sở đào tạo vừa cần am tường nhu cầu thị trường du lịch vừa là đơn vị sáng tạo ra nhu cầu du lịch mới để có thể dẫn dắt một lực lượng lao động du lịch lành nghề hướng đến thị trường việc làm toàn cầu.
Đối với việc làm trong du lịch.
Doanh nghiệp là nơi giữ chân nhân tài du lịch sau đào tạo. Hay nói cách khác, doanh nghiệp cũng được xác định là lực lượng lao động ngành du lịch. Họ là nhóm các doanh chủ, các lãnh đạo cấp cao ở phạm vi quốc gia, khu vực hay toàn cầu để là chân dung cho lực lượng lao động hướng đến trong lộ trình thăng tiến.
Mỗi lĩnh vực có tiêu chí riêng để hình thành du lịch bền vững. Tiêu chí việc làm cạnh tranh giữa các doanh nghiệp giúp cho nhân sự ổn định. Chính sách nhân sự ở mỗi doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho nhân tài du lịch phát huy năng lực thực hiện. Điều này liên quan đến mức lương tối thiểu và các phúc lợi của từng doanh nghiệp. Các tác động về thu nhập của lực lượng lao động có ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và ý chí về sự kiên trì của mỗi cá nhân tại một vị trí việc làm của một doanh nghiệp. Nhân tài du lịch có thể ở lại cống hiến hay rời đi là một trong những tiêu chí làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Từ đó là nguyên nhân của sự bền vững của ngành du lịch.
Việc làm du lịch và việc làm của từng ngành thuộc du lịch là nhân tố để xem xét quá trình vận hành ngành du lịch. Ví dụ, việc làm từ các yếu tố đầu vào như ngành nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, ngành xây dựng, ngành công nghệ, ngành sức khỏe, ngành giao thông, vận chuyển…thuộc tiêu chí việc làm của ngành du lịch khi các sản phẩm từ các ngành đầu vào được khai thác phục vụ du lịch. Do đó, những ngành trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cần có kiến thức và kỹ năng để tham gia vào phát triển du lịch. Cụ thể, các sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ cho ra đời dịch vụ du lịch xanh. Hoặc ngành tài chính ngân hàng cũng là yếu tố việc làm trong quá trình đầu tư du lịch. Ngành xây dựng cũng cần am hiểu về du lịch để có những sản phẩm về cơ sở lưu trú độc đáo. ….Đó là các tiêu chí để đánh giá tiêu chuẩn việc làm cho nhân sự ngành du lịch.
Việc làm du lịch còn ở một khía cạnh khác mà đang là xu hướng về nhu cầu thị trường du lịch chính là nhóm du lịch cộng đồng hoặc nhóm khởi sự doanh nghiệp trong du lịch. Lực lượng nhân sự này đang cần được quan tâm để có hướng đi đúng trong du lịch bền vững. Người dân địa phương, các hộ tiểu thương tham gia vào nếp sống văn hóa và văn minh thương mại để có việc làm du lịch tại nơi cư trú. Điều này sẽ giảm quá trình di dân đến các thành phố lớn mà vẫn đảm bảo được chất lượng cuộc sống. Khởi nghiệp trong du lịch cũng cần được định hướng trong phân bổ ngành nghề cần đầu tư để tránh thặng dư dịch vụ ở một loại hình dịch vụ nào đó. Điều này dẫn đến hạn chế tính hấp dẫn trong du lịch, thời gian bảo hòa dịch vụ thị trường nhanh và điểm vàng trong kinh doanh bị rút ngắn. Đây là nguyên nhân gây nên startup du lịch không có mặt ở thị trường lâu dài.
Tóm lại, sự phong phú về nhu cầu con người ngày càng tăng tạo nên xu hướng sản phẩm du lịch mang lại cả một thế giới việc làm trong du lịch. Đa dạng hóa việc làm du lịch sẽ làm ảnh hưởng tính ổn định về nhân sự trong ngành. Điều này đòi hỏi có sự liên kết ở mức độ vĩ mô giữa giáo dục và việc làm đi từ gốc rễ trong việc hình thành giáo dục nhận thức để hiểu thấu đáo về du lịch, thực hành nghề nghiệp du lịch trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thì mới có thể tạo nên khối nhân sự ổn định, việc làm bền vững góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia do du lịch mang lại. Tính liên kết đó được xác định từ phương thức đào tạo nền tảng tại môi trường giáo dục về các vấn đền liên quan đến du lịch – cho đến môi trường việc làm thì nguồn nhân lực sẽ được đào tạo thêm các năng lực cần thiết và phù hợp theo văn hóa tổ chức của mỗi đơn vị tuyển dụng.
Lực lượng nhân tài du lịch.
Nhân tài du lịch là kết quả giữa giáo dục và việc làm mang lại sự hài lòng cho du khách và khiến họ quay lại điểm đến. Cần xác định rõ rằng, lực lượng nhân tài du lịch bao gồm cả lĩnh vực giáo dục các ngành nghề có liên quan đến du lịch, đơn vị tạo việc làm và cộng đồng dân cư. Lực lượng lao động trong du lịch còn được xác định là nhân viên chính phủ từ trung ương đến địa phương phụ trách tạo ra sản phẩm chính sách phát triển du lịch.
Đây là tổng nội lực về nguồn nhân lực để phát triển du lịch bền vững. Do đó, nhân tài du lịch cũng cần có tiêu chí riêng nhằm đảm bảo cho năng lực thực hiện ở mỗi cá nhân giữ được giá trị nghề nghiệp. Tiêu chí đó là tự học, tự nghiên cứu để tìm ra giá trị cốt lõi của mỗi bản thân trong lĩnh vực có liên quan để phục vụ du lịch. Tại tiêu chí này, lực lượng lao động ngành du lịch ở mọi loại hình dịch vụ du lịch cần phát huy và cải thiện các kỹ năng xã hội. Từ đó để hoàn thiện tư duy trong hoặc định chính sách và nhân cách làm việc hoăc kinh doanh nhằm tạo được sản phẩm lao động đặc thù ở mỗi cá nhân hoặc tạo nên sản phẩm du lịch khác biệt, chính sách khác biệt trong một thế giới về nhu cầu của con người luôn luôn đòi hỏi sự mới mẻ và mong đợi được phục vụ chuyên nghiệp để đạt được sự hài lòng.
Nhân tài du lịch là yếu tố chính để hình thành chân dung Người làm du lịch. Xét về giá trị để tạo ra sự phát triển bền vững thì lực lượng lao động du lịch ở mọi thành phần như đã phân tích là mấu chốt để thúc đẩy quá trình vận hành du lịch hiệu quả và quản trị điểm đến bền vững để thu hút khách, tăng tính hấp dẫn của điểm đến và kiểm soát được vòng đời của các sản phẩm phục vụ du lịch bao gồm sản phẩm về chính sách phát triển, sản phẩm phục vụ cho thang nhu cầu cơ bản của Maslow được đáp ứng vào phục vụ du lịch theo định hướng bền vững.
Ngành du lịch có tự đánh thức để phát triển năng động cùng với du lịch toàn cầu hay không là từ yếu tố nhân tài du lịch. Nhân tài ở từng lĩnh vực trong du lịch cần có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chí bền vững trong từng ngành của du lịch để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng vượt bậc về lượng khách theo phong vũ biểu kinh tế du lịch toàn cầu.
Hanni Tran
Giám đốc điều hành – GapEdu
Giám đốc Khu vực Châu Á – Diễn đàn Du lịch Thế giới