PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG: NÂNG GIÁ TRỊ DỊCH VỤ, GIẢM TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA DU LỊCH ĐẾN MÔI TRƯỜNG
Hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, du lịch chịu trách nhiệm cho sự di chuyển của mọi người trên toàn cầu. Du lịch cũng là một trong những ngành kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới, chiếm 9% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và tạo ra 1 trong 11 việc làm trên toàn thế giới (Cơ quan Môi trường Châu Âu).
Từ góc độ lịch sử, du lịch là phản ứng xã hội đối với nhu cầu của con người về sự thịnh vượng và phát triển cá nhân. Trên toàn cầu, nhu cầu về các cơ hội du lịch và giải trí đã tăng lên đều đặn. Ngoài sự đóng góp cho quốc gia, du lịch còn lan tỏa sự đóng góp cho các nền kinh tế quốc gia khác, là một động lực chính tác động đến các tài sản môi trường thiết yếu (không khí, nước, đa dạng sinh học, đất…) cả trong điểm đến du lịch (địa phương) và trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, môi trường của du lịch còn là văn hóa ứng xử giữa người với người và người với thiên nhiên trong các hoạt động có liên quan đến việc khai thác, sử dụng và duy trì.
Thêm vào đó, 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (Sustainable Development Goals, SDGs) đã chỉ rõ việc áp dụng phát triển du lịch cùng với SDGs cần không bỏ lỡ các mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường; sử dụng năng lượng sạch trong dịch vụ du lịch, việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, thực hiện các hành động giảm ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu, bảo vệ sự sống dưới nước và trên mặt đất…Đây là các công cụ chính sách ở tất cả các cấp, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế toàn diện và bền vững.
Trên cơ sở đó, với du lịch Việt Nam, các nhà quản lý các cấp cả về chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư có liên quan đến ngành du lịch cần đặt ra các câu hỏi để làm rõ khoảng trống cần cải thiện trong quá trình phát triển du lịch đồng hành cùng môi trường như
- Điều gì đã thúc đẩy nên nhu cầu du lịch?
- Những tác động môi trường của du lịch là gì?
- Có phải chúng ta đang làm tốt hơn trong biệc quản lý nhu cầu du lịch để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên? Nếu câu trả lời là chưa làm tốt thì đó là gì và biện pháp cần khắc phục và có lộ trình đạt mục tiêu.
- Có phải chúng ta đang hướng về phát triển nội lực từ các chi phí bên ngoài của ngành du lịch tạo nên?
- Các công cụ quản lý và giám sát môi trường có hiệu quả như thế nào đối với một chiến lược phát triển du lịch tích hợp?
- Giá trị cốt lõi của du lịch Việt Nam mang đến thế giới là gì?
Thông điệp chính sách phát triển du lịch của một số quốc gia
- Vương Quốc Cambodia: tập trung thúc đẩy du lịch văn hóa
- Nước Cộng Hòa Indonesia: kích cầu du lịch biển
- Vương Quốc Brunei: phát triển du lịch Hồi giáo
- Hàn Quốc: mang văn hóa con Người Hàn Quốc đến thế giới
- Vương quốc Bhutan: Mang Hạnh phúc và Thịnh Vượng của đất nước Bhutan đến Thế giới qua thông điệp nâng cao giá trị du lịch và Giảm tác động tiêu cực
Những câu hỏi mang tính chính sách này sẽ dẫn dắt chúng ta phát triển bộ dữ liệu bổ trợ cho tính khả dụng, phương pháp xây dựng, công cụ xử lý, mức độ phù hợp với chính sách và tính minh bạch trong các thông điệp chính sách. Khi chúng ta xác định được giá trị cốt lõi của du lịch thì sẽ dễ dàng thấy được các vấn đề về tương tác giữa người với môi trường thiên nhiên đang trong tình trạng như thế nào và chuẩn bị ứng phó cho các kịch bản môi trường trong du lịch sẽ xảy ra.
Ví dụ, theo đặc tính vị trí địa lý của Việt Nam với hơn 3000km bờ biển thì có thể tập trung khai thác phát triển du lịch biển làm giá trị cốt lõi. Từ đó, các chính sách về công cụ phát triển, quản lý và bảo tồn các nhân tố liên quan sẽ được ban hành cho các bên liên quan thực hiện. Cụ thể, là các hướng dẫn đầu tư du lịch biển, các tiêu chí cam kết ràng buộc về đảm bảo lợi ích của con người và môi trường trong quá trình doanh nghiệp khai thác, đưa vào sử dụng và duy trì trong vận hành. Điều này cũng góp phần vào xây dựng các tiêu chí về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và địa phương trong phát triển kinh tế du lịch.
Các chỉ số về môi trường được tính toán trong vận hành du lịch như các loại phương tiện vận chuyển sử dụng nhiên liệu thế nào; sự cân bằng về sức chứa của điểm đến trong dấu chân sinh thái, dấu chân vật chất; ô nhiễm tiếng ồn và các loại ô nhiễm khác trong xây dựng các cơ sở lưu trú; các hành vi trong văn hóa ứng xử của nhà đầu tư và môi trường, sử dụng trang thiết bị thân thiện với môi trường hay không; và ngay cả du khách cần đóng góp gì cho môi trường tại điểm trải nghiệm; lối sống người dân địa phương có đóng góp như thế nào để bảo vệ môi trường sống của chính họ; chính sách của quốc gia về nguồn nước sạch, nhiên liệu sạch…
Phân tích trên được tổng hợp về các tiêu chí sau đây để làm cơ sở đánh giá tác động môi trường trong du lịch như:
– hạ tầng du lịch (đất và nền đất khi khai thác…),
– cường độ du lịch,
– lưu lượng khách du lịch theo phương thức vận tải,
– tác động của du lịch đến việc tạo ra rác thải đô thị,
– tiêu thụ năng lượng của ngành,
– áp lực môi trường bởi cơ sở hạ tầng du lịch như bãi tắm, sân golf, bến du thuyền,…
– sự đồng ý tiếp thu của các dòng khách du lịch trong các công viên, hoặc khu du lịch ….
……
Điều này sẽ là lợi ích cho sự bền vững của hình ảnh doanh nghiệp trong kinh doanh và cũng là mang đến sự hài lòng cho khách du lịch khi họ được trải nghiệm tại một nơi có trách nhiệm với môi trường sống và cộng đồng dân cư. Đó là một phương pháp phát triển tích hợp bền vững cho các bên cùng tham gia vào quá trình du lịch.
Từ mô hình này, các địa phương khác, khi áp dụng cũng có thể xác định đặc tính riêng và như thế sẽ tìm ra được các bộ công cụ quản lý các tác động về kinh tế – xã hội – môi trường trong du lịch. Từ đó, bằng một phép cộng, chúng sẽ có được một chính sách phát triển du lịch quốc gia tổng thể đảm bảo tính an toàn về môi trường trong khai thác và bền vững trong tăng trưởng và phát triển kinh doanh.
THỰC HÀNH QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TRONG KINH DOANH DU LỊCH được áp dụng vào:
-
Thực hành quản lý môi trường trong Quản lý nhà nước về du lịch: có ảnh hưởng đến tất cả khía cạnh trong xây dựng chính sách và thúc đẩy thực hiện. Trong đó liên quan đến sự phối hợp giữa tất cả các cơ quan chính phủ và tư nhân có liên quan; giải quyết các thách thức môi trường chính trong điểm đến.
Ví dụ việc lập kế hoạch sự kiện tầm quốc gia hay quốc tế tốt có thể giảm chi phí cho xử lý chất thải bằng cách tổ chức giao thông công cộng đến sự kiện và việc tính phí đỗ xe có thể tạo ra doanh thu trực tiếp và gián tiếp bằng cách tiết kiệm không gian và giảm tắc nghẽn. Từ hoạt động này sẽ phù hợp cho các thông điệp marketing du lịch xanh…
-
Thực hành quản lý môi trường trong Các công ty lữ hành, bao gồm ảnh hưởng của họ đối với hoạt động vận tải, chỗ ở và lựa chọn / hành vi của khách du lịch.
Ví dụ: các nhà điều hành tour không cung cấp các chuyến bay đến các điểm đến gần (trong phạm vi 700km). Đối với các điểm đến cách xa 2000km thì thời gian lưu trú dưới 8 ngày. Nếu điểm đến cách xa hơn 2000km thì thời gian lưu trú dưới 14 ngày…
Việc thực hiện lựa chọn các gói tour tránh các chuyến bay không cần thiết thay thế bằng các biện pháp tiết kiệm năng lượng nhằm đảm bảo lượng khí thải trong hành trình chuyến đi. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành có thể lựa chọn nhà cung cấp cơ sở lưu trú có giấy chứng nhận môi trường của bên thứ ba. Đối với các nhà điều hành tour có chính sách bảo vệ môi trường tốt, họ có yêu cầu riêng về các tiêu chí hoặc quy trình đo điểm chuẩn đối với các cơ sở lưu trú để đảm bảo cả hành trình trải nghiệm của khách được phủ xanh trong tất cả các hoạt động. Chi phí về thủ tục hành chính của việc thực hiện các yêu cầu môi trường của nhà cung cấp có thể được giảm thiểu bằng cách tích hợp chúng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an toàn cho du khách hiện có.
Vai trò của nhà điều hành tour (người mua) là động lực thúc đẩy các yêu cầu về cải thiện môi trường điểm đến bằng cách cải thiện hiệu suất của chuỗi cung ứng, hỗ trợ các ý tưởng về chính sách bảo vệ môi trường trong quản trị điểm đến và đóng vai trò là nhân tố thực hiện các cải tiến trực tiếp trong vận hành du lịch có trách nhiệm. Ngoài ra, các công ty lữ hành còn là nhân tố quan trọng để quảng bá sản phẩm du lịch vì môi trường, kích cầu cho du khách có thêm nhiều chọn lựa.
Chi phí phát triển các gói du lịch bền vững bao gồm các chứng nhận có liên quan sẽ không đáng kể so với doanh thu đạt được. Nguồn thu tăng từ việc nâng cao giá trị sản phẩm bằng các giá trị gia tăng. Từ đó, các tour du lịch bền vững có ảnh hưởng tích cực đến lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp, tạo được các hiệu ứng “hào quang” của chuỗi giá trị cung ứng du lịch có trách nhiệm.
-
Thực hành quản lý môi trường trong giảm thiểu tiêu thụ nước tại cơ sở lưu trú
Các cơ sở lưu trú thực hiện kế hoạch cụ thể trong quản lý nước theo từng khu vực bao gồm: (i) có hệ thống đo lường việc sử dụng nước hiệu quả; (ii) thường xuyên kiểm tra và bảo trì các điểm rò rỉ các thiết bị của hệ thống nước.
Ví dụ: tổng lượng nước tiêu thụ mỗi đêm cho mỗi khách trong các khách sạn được phục vụ đủ ở mức ≤ 140L. Đối với các loại phòng lớn có chung phòng tắm lớn, thì tổng lượng nước tiêu thụ đủ phục vụ cho mỗi khách mỗi đêm là ≤100 L (nhà trọ). Ngoài ra, đối với các phòng tắm riêng, việc tiêu thụ nước và tiêu thụ năng lượng làm nóng nước tương đương mức ≤100 L và 3.0kWh mỗi đêm cho khách. Tốc độ dòng vòi sen 7L/phút, tốc độ dòng nước trong phòng tắm 6L/phut (4L/phút đối với vòi mới), xả nước bồn cầu hiệu quả trung bình ≤ 4,5 L, lắp đặt các bồn tiểu không chứa sẳn nước.
Bên cạnh đó, các chỉ số sử dụng nước hiệu quả tại nhà giặt, chất liệu hàng vải, lượng tiêu thụ nước máy giặt, bột giặt, dịch vụ spa, hồ bơi cũng cần có hệ thống đo lượng nước sử dụng hiệu quả cụ thể.
Ngoài ra, thực hành quản lý môi trường trong giảm thiểu chất thải tại cơ sở lưu trú; Giảm thiểu tiêu thụ năng lượng; quản lý môi trường cho các hoạt động nhà bếp; hoặc cho khu cắm trại đều có các tiêu chí cụ thể để thực hiện.
Hanni Tran