LÀM THẾ NÀO ĐỂ TPHCM THU HÚT KHÁCH DU LỊCH ĐÔNG NAM Á
Đây là câu hỏi mang tính chiến lược cho quản trị điểm đến có liên quan đến cả 3 chân kiềng về phát triển bền vững, đó là con người – môi trường – thị trường.
Thành phố HCM được định vị là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất VN và do đó kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế, trong đó kinh tế du lịch góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của địa phương. Với tính chất đó thì đặc tính du lịch của TpHCM là du lịch đô thị được xem là động lực chính để triển khai các loại hình kinh doanh du lịch có liên quan. Từ xác định đặc tính nổi trội đó mà du lịch TPHCM nên được tập trung khai thác loại hình du lịch M.I.C.E, du lịch y tế (như du lịch chữa bệnh có sử dụng công nghệ cao của ngành y tế, du lịch nha khoa, du lịch chăm sóc sức khỏe – phẩu thuật sắc đẹp…), du lịch giáo dục, du lịch thời trang, du lịch điện ảnh, du lịch thể thao (thông qua việc tổ chức thi đấu thể thao mang tầm quốc tế), hoặc các ngành khác có ứng dụng công nghệ cao và cập nhật xu hướng công nghệ mới để đưa yếu tố du lịch vào khai thác.
Từ phân tích trên sẽ chỉ ra được bức tranh trong khai thác du lịch của TPHCM theo hướng như sau:
Ổn định nội lực
TpHCM xác định và phân nhóm các đơn vị cung cấp dịch vụ tương ứng với loại hình cần khai thác. Từ đó phân bổ chính sách nâng cao năng lực và kỹ thuật cho nguồn nhân lực cho việc kêu gọi đầu tư mới theo định hướng đã phân tích như trên.
Đồng thời nối kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẳn có tại TpHCM như các phòng khám quốc tế//phẩu thuật thẩm mỹ//nha khoa, các cơ sở đào tạo quốc tế; đẩy mạnh tổ chức các show biểu diễn nghệ thuật thuộc ngành văn hóa mang tầm quốc tế, các cuộc thi đấu thể thao quốc tế để thu hút khai thác nguồn khách là khán giả nước ngoài và trong nước. Từ đó, ngành vận chuyển, lưu trú, tham quan, mua sắm, ẩm thực ….được tăng trưởng.
Theo phương pháp này, thì du lịch tpHCM có sẳn một nội lực lành nghề đã được đào tạo chuyên môn và chuyên nghiệp tại các đơn vị doanh nghiệp. Đây là nền tảng để kinh tế du lịch tpHCM tăng trưởng nhanh cùng với xu hướng du lịch của thế giới.
Các sản phẩm du lịch chủ lực của TpHCM như đã nêu được định vị tại trung tâm của thành phố. Các huyện xa hơn, hoặc các tỉnh lân cận là vệ tinh để triển khai dịch vụ sinh thái, thôn quê đậm chất Việt. Đây là nguồn lực dự phòng cho thị trường du lịch đô thị khi đã bảo hòa. Chính sách phát triển sản phẩm du lịch vùng lân cận thành phố cũng được tiến hành song song nhưng là ưu tiên thứ cấp cho việc đầu tư. Các con số trong nghiên cứu thị trường sẽ chỉ ra được khi nào là vòng đời sản phẩm du lịch đô thị bão hòa để cần thêm mới sản phẩm, kích cầu du lịch theo các hướng đã phân tích. Các sản phẩm dịch vụ hay các trải nghiêm của các ngành luôn trong tư thế tác chiến để du lịch tp luôn năng động và phong phú.
Phát triển thị trường
Sau khi xác định và phân nhóm đơn vị cung cấp dịch vụ, TpHCM cần có chính sách truyền thông marketing điểm đến theo nhóm ngành để tạo ấn tượng cho nhóm khách hàng mục tiêu trong các chương trình xúc tiến nước ngoài.
Để tách bạch nguồn khách với nhóm các nhu cầu khác nhau cần có một chiến lược xác định thị trường mục tiêu và khách hàng mục tiêu. Điều này nghĩa là điểm đến cần được xác định rõ giá trị trải nghiệm là gì. Từ phân tích và định hình nhóm sản phẩm du lịch của tpHCM như trên sẽ là căn cứ để thành phố chọn cho mình một tệp khách hàng tương đồng. Hay nói khác đi, đó là một chiến lược phát triển thị trường, có các kế hoạch R&D cụ thể để tìm kiếm nguồn khách đúng giá trị thụ hưởng.
Ví dụ, Nhật Bản có cách xúc tiến thị trường rất dễ để định vị chiến lược. Họ tham gia các chuỗi hội chợ, xúc tiến du lịch trên thế giới với chỉ có tệp các nhà cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Nhật để có thể chào hàng với các đơn vị lữ hành quốc tế và khách hàng cá nhân có quan tâm đến loại hình dịch vụ này. Đó là cách Họ chọn mục tiêu là phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe để đa dạng hóa giá trị trải nghiệm trước đây khi vòng đời các trải nghiệm khác đã gần chạm mức bảo hòa. Khi tiếp xúc được với đơn vị “Người Mua” theo như mục tiêu đã chọn, thì các tiêu chí về xã hội học, nhân khẩu học sẽ được thu thập tiếp theo như độ tuổi, giới tính, thu nhập, trình độ học vấn, sở thích, thói quen tiêu dung, mức chi tiêu….Theo phương pháp này, các nhà quản trị điểm đến của Chính phủ Nhật sẽ tập hợp thành cơ sở dữ liệu khách hàng từ doanh nghiệp của họ. Từ đó, họ tiếp tục tái định vị du lịch Nhật Bản sẽ ở đâu trong bối cảnh thị trường toàn cầu, khách hàng họ ở đâu, thuộc nhóm chi tiêu như thế nào và họ tập trung khai thác tệp khách hàng đó theo các giá trị trải nghiệm của các nhà cung cấp địa phương. Từ cách làm này, sẽ dễ dàng thấy rõ chiến lược của du lịch Nhật Bản thế nào và sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp ra sao trong việc phát triển một giá trị trải nghiệm mới.
Nhìn chung, để thu hút được lượt khách đến từ khu vực DNA hay thị trường khác trên toàn cầu, du lịch tpHCM cần có chính sách phát triển theo nhóm dịch vụ để tạo nhóm sản phẩm được xác định theo đặc tính của điểm đến. Từ đó, xác định thị trường mục tiêu và nhóm khách hàng cụ thể theo những gì du lịch tp đang thụ hưởng giá trị. Thực hiện chính sách xúc tiến du lịch theo nhóm các đơn vị cung cấp dịch vụ theo thứ tự ưu tiên theo tiêu chí năng lực chủ lực. Ví dụ: mỗi năm nên chọn ra nhóm đơn vị cung cấp dịch vụ cùng tham gia tại các hội chợ xúc tiến du lịch trên thế giới để du lịch tp thể hiện được sức mạnh và thu hút du lịch bằng yếu tố tác động trực tiếp đến tệp khách hàng tương ứng. Điều đó có nghĩa là năm 2019, các kỳ hội chợ du lịch trên thế giới, du lịch tpHCM xuất hiện bằng một hình ảnh cụ thể. Có thể là y tế, mà nơi đó tập trung các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cả về thể chất, ngoại hình và tâm linh… Sang năm 2020, du lịch tp nên xuất hiện trước thế giới bằng 1 hình ảnh khác tương ứng cùng ngành của năm 2019 hoặc có thể là loại hình khác. Và do đó, cứ liên tục du lịch tp có được chuỗi giá trị trải nghiệm ấn tượng đối với thị trường quốc vào Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cách để tập trung nhà đầu tư theo nhóm ngành du lịch cần phát triển.
Hanni Tran
C.E.O GapEdu Consulting & Training
Asia Director – World Tourism Forum