Xúc tiến đầu tư du lịch là một trong 3 chiến lược quan trọng của quản trị điểm đến hay của doanh nghiệp. Kiềng 3 chân để tạo nên tăng trưởng bền vững từ chính sách phát triển Con người – Môi trường – Thị trường.
Khi đặt việc xúc tiến đầu tư trong bối cảnh thị trường thì các nhà hoạch định chính sách phát triển tầm vĩ mô thường xem xét yếu tố về định vị giá trị của trải nghiệm (là giá trị của sản phẩm hay dịch vụ du lịch được nâng lên ở mức độ trải nghiệm của khách du lịch thay vì chỉ là sử dụng tức thì các sản phẩm hay dịch vụ đó) mà quốc gia hay doanh nghiệp cần hướng đến mục tiêu cụ thể.
Do đó, nếu xét về tính thị trường thì xúc tiến du lịch hay cụ thể hơn là xúc tiến đầu tư cần tập trung vào những việc như sau:
Định vị giá trị trải nghiệm du lịch trên thị trường.
Điều này tương ứng với việc xác định tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược và giá trị cốt lõi của điểm đến. Cũng giống như bức tranh về kinh doanh, chiến lược định vị của điểm đến là tư duy làm kinh tế của quản trị điểm đến. Do đó, mỗi điểm đến cần tìm ra được giá trị trải nghiệm cốt lõi, càng duy nhất càng tốt để các nhà quản trị địa phương đặt trọng tâm đưa vị thế của điểm đến ra thị trường. Ví dụ, mỗi địa phương đều có đặc thù riêng nhất về yếu tố tâm linh giữa vô vàn yếu tố khác về tâm linh như giá trị lịch sử hoặc giá trị của niềm tin. Giá trị đó có thể xuất phát từ dân tộc, tôn giáo, dân gian, trải nghiệm lịch sử quốc gia. Chúng ta khó có thể định vị được điểm đến trên thị trường như thế nào khi nói rằng chúng tôi có tất cả đặc tính du lịch cần phát triển như sinh thái, văn hóa, núi, rừng, biển, đô thị hay đồng bằng. Vì như thế sẽ làm cho các điểm đến trở lại với giá trị tương đồng theo tính chất vùng miền. Các nhà hoạch định chính sách phát triển hãy chọn cho khu vực mình quản trị một giá trị duy nhất và các giá trị vệ tinh hỗ trợ để bắt tay vào định hình được tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của điểm đến. Đây là bước khởi động cho một hành trình startup quản trị điểm đến từ chính sách phát triển du lịch bền vững của quốc gia.
Công cụ để xác định thị trường mục tiêu.
Sau khi điểm đến được định vị về giá trị trải nghiệm từ tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi thì bước tiếp theo là xác định thị trường mục tiêu.
Bước này sẽ giúp cho các nhà quản trị điểm đến nhìn rõ được ai sẽ là nhà đầu tư phù hợp với văn hóa và triết lý quản trị điểm đến. Các tiêu chí chọn nhà đầu tư có lịch sử và đạo đức kinh doanh phù hợp được hình thành từ giai đoạn này. Hay nói khác đi, đó là một quy trình tìm kiếm giá trị tương đồng giữa văn hóa bản địa và đạo đức kinh doanh của nhà đầu tư. Nếu địa phương chỉ có danh mục kêu gọi đầu tư, các động thái về truyền thông bề mặt của điểm đến thì không đủ các yếu tố để hỗ trợ đầu tư xác định các giá trị bên trong và cơ hội bên ngoài thị trường.
Ví dụ, một điểm đến có giá trị cốt lõi là du lịch tâm linh thì các tiêu chí xét chọn nhà đầu tư cần có là chủ đầu tư thuộc tôn giáo nào; thuộc dòng tâm linh nào; đã thành công đầu tư tại các khu du lịch tâm linh nào chưa, lịch sử kinh doanh của nhà đầu tư là từ du lịch tâm linh hay các ngành khác trong du lịch có liên quan gần giống hay hoàn toàn khác về giá trị tâm linh; hoặc nhà đầu tư đến từ một lĩnh vực khác như các sản phẩm của họ có mang tính chất tâm linh tương đồng hay chưa….Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong số các yêu cầu về cam kết giá trị đầu vào khi nhà đầu tư mong muốn phát triển đầu tư tại một điểm đến nào đó. Ngoài ra, nhà đầu tư còn cam kết các hành động vì môi trường, vì cộng đồng để có thể giúp họ tồn tại lâu dài tại vùng đất khai thác vận hành du lịch. Đây là bước để các cơ quan xúc tiến đầu tư lĩnh vực du lịch cần đặc biệt quan tâm để có thể giúp được nhà đầu tư kinh doanh bền vững. Điều này có nghĩa là cơ quan quản lý về du lịch địa phương hay quốc gia tạo được giá trị trải nghiệm của điểm đến thành hệ quy chiếu bao gồm các chuẩn mực mà nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp cần phải tuân thủ trong quá trình khai thác, vận hành.
Sau khi chọn được nhà đầu tư phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của điểm đến thì nhà đầu tư từ đó sẽ khai thác các giá trị trải nghiệm từ sản phẩm và dịch vụ tương đồng. Họ sẽ chọn ra được ai sẽ là khách hàng của họ từ các khảo sát nhu cầu và xu hướng trong kế hoạch phát triển kinh doanh của họ. Từ đó, chiến lược thu hút khách du lịch có cùng thị hiếu với điểm đến được vạch ra và đi đúng hướng với khách hàng mục tiêu.
Tóm lại, để xúc tiến đầu tư du lịch hiệu quả, quản lý nhà nước cần có cơ sở dữ liệu phân tích giá trị trải nghiệm điểm đến và bộ tiêu chí chi tiết để chọn nhà đầu tư phù hợp với từng đặc tính của điểm đến. Cách xét chọn càng kỹ, càng chi tiết thì sẽ giúp được nhà đầu tư kinh doanh bền vững. Các cơ quan xúc tiến du lịch đóng vai trò như một nhà tư vấn điểm đến chuyên nghiệp, có đầy đủ thông số, chỉ số phát triển bền vững về kinh tế về du lịch, các hỗ trợ khác và các chế tài để định hướng được quá trình đưa kinh tế du lịch địa phương đúng với giá trị văn hóa bản địa. Nếu quy trình xét chọn đầu vào không cụ thể thì hệ lụy để lại nhiều mất mát cho cả điểm đến và nhà đầu tư, hình ảnh điểm đến bị phá vỡ, các giá trị về con người và thiên nhiên cũng bị hủy hoại là điều tất yếu.
Do đó, để đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững, kinh tế địa phương tăng trưởng ổn định từ việc kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp thì các tiêu chí, yếu tố, chỉ số trong từng phần việc từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất cần phải có tính chi tiết, cụ thể, am tường, minh bạch theo chuẩn mực quốc gia và thông lệ quốc tế cùng với sự đồng thuận của cộng đồng bản địa.
Th.S Trần Bảo Trân
C.E.O GapEdu Consulting & Training
Asia Director World Tourism Forum
——————–
Hãy cho chúng tôi biết về mong muốn thu hút đầu tư du lịch bền vững của quý đối tác, đội ngũ chuyên gia sẽ tư vấn chiến lược kêu gọi đầu tư hiệu quả theo từng đặc tính du lịch của địa phương.
Liên hệ: Email: info@gapedu.vn //website: www.gapedu.vn//worldtourismforum.net